Ổn áp Switching Ổn_áp

Khối biến đổi DC-DC chế sẵn 1 W hiệu AM1P-0505SZ

Ổn áp Switching là nguồn nuôi kiểu chuyển mạch, thực hiện biến đổi điện sơ cấp DC sang tần số siêu âm, sau đó thông qua biến áp và chỉnh lưu để cho ra các mức điện áp DC khác ổn định làm nguồn nuôi các mạch điện. Năng lượng điện được đưa qua các transistor đóng mở theo chế độ chuyển mạch, nên được gọi là Switching. Tần số và độ rộng kỳ mở transistor (duty cycle) được điều chỉnh thông qua phản hồi âm từ điện áp ra, để năng lượng truyền qua vừa đủ, nhằm giữ cho điện áp ra ổn định.[4][5][6]

Do sử dụng tần số cao với biến áp lõi ferrit, đồng thời hệ thống không có phần từ thực hiện cắt bỏ năng lượng thừa thành nhiệt, nên Ổn áp Switching có hiệu suất cao, và thể tích, khối lượng cho 1 đơn vị điện năng là nhỏ. Ngày nay ổn áp Switching là mạch nguồn thống trị trong các máy điện tử, có mặt trong cái sạc điện thoại, nguồn thắp sáng đèn LED, nguồn máy tính đến các biến tần trong thiết bị điện lớn.

Thành phần chủ yếu của mạch có:

  • Một mạch tạo dao động cho ra tín hiệu có thể điều chỉnh tần số và chu kỳ xung (duty cycle). Tín hiệu có tần số chính thường cỡ 10 - 100 KHz
  • Tín hiệu được đưa tới điều khiển tầng công suất transistor hoạt động ở chế độ chuyển mạch, đóng mở cho nguồn sơ cấp đưa tới cuộn sơ cấp của biến áp.
  • Các cuộn thứ cấp được quấn với tỷ số biến áp xác định, từ đó điện được chỉnh lưu, lọc và cấp tới lối ra (Output).
  • Mức điện áp lối ra được đưa tới mạch phản hồi âm, điều chỉnh giảm chu kỳ xung và cả tần số, nếu điện áp ra cao hơn định mức.

Các thành phần phụ trợ có các phần tử cách ly nguồn lối ra (Output) với điện lưới vào (Input), mạch giám sát trạng thái các mức nguồn và mạch bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho các tải tiêu thụ nếu nguồn Switching bị lỗi. Nguồn switching thiết kế mạch rất đa dạng, và có thể phân loại theo các tiêu chí khác nhau.

Phân loại theo nguồn sơ cấp thì có 3 dạng:

  • Nguồn điện AC 220 V hoặc 110 V của lưới điện hoặc của máy phát điện cục bộ, được chỉnh lưu ra điện một chiều.
  • Pin sạc (ắc qui), pin thường,... là nguồn điện DC có điện áp từ 3 V đến cỡ trăm V.
  • Biến đổi nguồn trong máy sang mức điện áp khác để cung cấp cho nhánh mạch cục bộ của bộ máy điện tử.

Phân loại theo kiểu mạch thì có:

  • Các bộ nguồn công suất nhỏ (đến vài W) thường dùng mạch phát dao động nghẹt. Phản hồi điện áp ra được đưa tới điều chỉnh thiên áp của mạch dao động. Các mạch cần cách ly thì thực hiện ghép qua photocoupler.
  • Các bộ nguồn công suất trung bình thì mạch tạo dao động tách riêng với transistor khóa, và có điều khiển chính xác tần số và kỳ mở của xung.
  • Các bộ nguồn công suất lớn, từ trăm W trở lên dùng đến transistor công suất lớn mắc theo sơ đồ đẩy kéo.

Mạch điều khiển Switching cho bộ nguồn công suất trung bình và lớn đã được chuẩn hóa thành IC thương phẩm. Ví dụ mạch Pulse-Width-Modulation Controller TL 494 thường sử dụng trong khối nguồn ATX của máy tính cá nhân để bàn.[7]